Bảo hiểm y tế không nhằm mục đích lợi nhuận
Luật
Bảo hiểm y tế gồm 10 chương, 52 điều. Đây là dự án Luật quan trọng
nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình phát triển nền kinh tế
thị trường theo định hướng XHCN và quá trình tiến tới bảo hiểm y tế
toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách xã hội
hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Luật bảo
hiểm y tế được ban hành sẽ tạo cơ sở cao nhất thể chế hoá quan điểm,
định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài
chính y tế thông qua bảo hiểm y tế xã hội với mục tiêu xây dựng nền y
tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Về
phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Quốc Triệu cho biết tại cuộc họp báo, một điểm đáng lưu ý là
Luật Bảo hiểm y tế không áp dụng đối với các loại hình bảo hiểm y tế
mang tính kinh doanh. Quy định này xuất phát từ việc xác định bảo hiểm
y tế theo quy định của luật này là một chính sách an sinh xã hội, do
Nhà nước tổ chức thực hiện, không nhằm mục đích lợi nhuận.
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi): Còn phải xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành

Ảnh: Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Mạnh Hùng tại cuộc họp báo
Luật
Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 8 chương, 89 điều. Trong số 89 điều
của Dự thảo luật chỉ có 03 điều được giữ nguyên cả nội dung và kết cấu,
còn lại 68 điều bổ sung, sửa đổi và 18 điều mới.
Để
triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông
vận tải đang rà soát, xây dựng Danh mục văn bản hướng dẫn chi tiết thi
hành Luật, dự kiến có 55 văn bản, trong đó có 09 Nghị định của Chính
phủ, 34 thông tư của Bộ trưởng, 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 06
văn bản do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Bộ Giao thông vận tải sẽ
báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan
triển khai xây dựng các dự thảo văn bản, cố gắng bảo đảm hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đầy đủ
trước khi Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008. Bộ Giao thông
vận tải cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến
Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), coi đây là công tác trọng tâm trong
năm 2009.
Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ cao, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm
Luật
Công nghệ cao (CNC) gồm 6 chương, 35 điều, quy định những vấn đề chủ
yếu như: chính sách của nhà nước đối với ứng dụng, nghiên cứu và phát
triển CNC; xác định CNC, sản phẩm CNC được ưu tiên đầu tư phát triển;
các biện pháp chung thúc đẩy ứng dụng, nghiên cứu và phát triển CNC;
các biện pháp phát triển CNC trong các ngành kinh tế-kỹ thuật; nhân lực
CNC; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động CNC.
Nhằm
đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện chính sách ứng dụng và phát triển
CNC, Luật khẳng định hoạt động này phải có trọng tâm, trọng điểm. Cụ
thể là tập trung đầu tư phát triển CNC trong một số lĩnh vực công nghệ
như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới,
công nghệ tự động hóa. Ngoài ra, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực
công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển CNC khi cần thiết.
Theo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến, Luật Công nghệ cao ra
đời là một bước quan trọng mở đường cho việc đẩy mạnh ứng dụng, nghiên
cứu và phát triển CNC ở Việt Nam. Tuy nhiên, để sớm đưa Luật vào cuộc
sống, trước mắt cần xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật kịp thời và đồng bộ.
Luật Đa dạng sinh học: Phù hợp với định hướng cải cách pháp luật về môi trường
Luật
Đa dạng sinh học gồm 8 chương, 78 điều, quy định về bảo tồn và phát
triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và trách nhiệm của các cơ quan
nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong bảo
tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; chính sách của Nhà nước về
về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; trách nhiệm quản lý
nhà nước và những hành vi bị nghiêm cấm; hợp tác quốc tế về đa dạng
sinh học…
Lãnh
đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đa dạng sinh học được
xây dựng thống nhất và hài hoà với hệ thống pháp luật hiện hành, có
tính đến định hướng cải cách pháp luật về môi trường trong tương lai.
Luật Đa dạng sinh học có phạm vi điều chỉnh hợp lý trên cơ sở phân định
rõ ràng với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng,
Luật Thuỷ sản và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan./.
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)