LTS: HIỆN NAY, VẤN ÐỀ NƯỚC THẢI SINH HOẠT ÐANG LÀ NGUỒN GÂY Ô NHIỄM CHÍNH Ở CÁC KHU ÐÔ THỊ Ở VIỆT NAM. THEO THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRẦN HỒNG HÀ, ÐỂ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NÀY, NGOÀI NHỮNG GIẢI PHÁP KỸ THUẬT, CẦN ÐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA LĨNH VỰC NÀY.
PV. Hiện nay, nước thải nói chung và nước thải sinh hoạt nói riêng đang trở thành nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các khu đô thị. Xin Thứ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính?
TT Trần Hồng Hà: Tại các khu đô thị ở nước ta hiện nay, nước thải nói chung, nước thải sinh hoạt nói riêng, đang trở thành những vấn đề môi trường cấp bách. Nguyên nhân là do những bất cập trong công tác quy hoạch và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cũng như xử lý nước thải.
Việc thiếu những dự báo dài hạn về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, và sự gia tăng dân số trong công tác quy hoạch đô thị trước đây đã dẫn đến tình trạng bất cập này.
Tại các khu đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý triệt để, và nước thải trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm chính đối với sông, hồ, phá huỷ các hệ sinh thái tự nhiên và tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân.
- Chúng ta cần áp dụng những giải pháp gì để khắc phục những bất cập này?
Ðể khắc phục những bất cập này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, cũng như các nhóm giải pháp kỹ thuật.
Về cơ chế, chính sách, cần thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2005; cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm. Ðối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, có thể đóng cửa hoặc di dời.
Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh; thực hiện có hiệu quả các dự án về bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khẩn trương ban hành và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng. Cần có những chế tài hành chính và hình sự đủ sức răn đe, để ngăn ngừa các hành động gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa xử lý nước thải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhằm đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Cần nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường nước, nước thải, quy hoạch đô thị gắn với bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quản lý và đánh giá quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và các khu đô thị.
Về giải pháp kỹ thuật, cần hỗ trợ và phát triển các công nghệ xử lý môi trường và nước thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ðồng thời, cần xây dựng và thực hiện các dự án cải tạo và xử lý môi trường, khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên tại các khu vực sông, hồ bị ô nhiễm, bên cạnh việc giảm phát sinh các vùng ô nhiễm mới.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân, cũng như toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
PV: Hiện tại có nhiều ý kiến về việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
TT Trần Hồng Hà: Trước đây, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, vấn đề xử lý nước thải tại các khu đô thị chưa được hoặc ít được quan tâm. Hiện tại, chúng ta đang tập trung giải quyết tình trạng này bằng cách xây dựng và thực hiện các dự án xử lý nước thải tập trung.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng giải pháp này không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam và việc lựa chọn các giải pháp xử lý nước thải tại nguồn là thích hợp hơn.
Theo quan điểm của tôi, thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt phải được quy hoạch hợp lý. Tất cả các khu công nghiệp, đô thị tập trung đều phải thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.
Việc nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường là vi phạm các quy định pháp luật và là nguyên nhân của vấn đề môi trường đô thị hiện nay.
Thực tế là chưa thể giải quyết được ngay những nguyên nhân nói trên, do đó các dòng sông, kênh chảy qua các khu đô thị bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cấp nước sinh hoạt. Vì vậy, vẫn cần có các nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Về lâu dài, cần có giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tại nguồn đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết về công nghệ xử lý tại nguồn mà Thứ trưởng biết?
TT Trần Hồng Hà: Hiện nay, có nhiều công nghệ xử lý nước thải. Trong đó, công nghệ xử lý nước thải Johkasou của Nhật Bản đã được một số doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng . Công nghệ xử lý này phù hợp để cho xử lý nước thải sinh hoạt.
Chúng ta có thể xem xét áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, cần có sự thử nghiệm và đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền. Ðồng thời, cần cân nhắc các yếu tố chi phí, giá thành. Sau khi thử nghiệm và đánh giá hiệu quả, cần tính đến khả năng nội địa hóa, để giảm chi phí.
Phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam 07/08